Kính mời quý thầy cô cùng các em học viên, sinh viên quan tâm đến Kỹ thuật sản xuất, Chế tạo máy, và Nghiên cứu khoa học đến tham dự Seminar Bộ môn Chế tạo máy lần 5 – 2023.
Thời gian: 13h00 ngày 20/10/2023.
Địa điểm: Trực tiếp tại phòng Nghiên cứu 04 – Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh
Đối tượng tham dự: Giảng viên khoa Công nghệ Cơ khí và giảng viên khoa Khoa học Cơ bản.
Link đăng ký:
Báo cáo viên:
1/ TS. Trần Minh Hiến;
2/ Nhóm sinh viên Chế tạo máy : Trương Đình Hải Dương (DHCT15A), Não Đồng Nhi (DHCT15B), Bùi Hoàng Anh (DHCT15A), Nguyễn Danh Tùng (DHCK13B), Huỳnh Công Linh (DHCT15B).
VẬT LIỆU PHÂN CỰC NGHỊCH VÀ CÔNG NGHỆ TÀNG HÌNH
TS. Trần Minh Hiến
Ý tưởng về vật liệu có chiết suất âm hay còn gọi vật liệu phân cực nghịch lần đầu tiên được đề xuất bởi Veselago, một nhà vật lý lý thuyết người Nga, vào thập niên 60 của thế kỹ trước [1]. Mặc dù ý tưởng có vẻ điên rồ thậm chí nhận nhiều chỉ trích vì lý do không tồn tại bất kỳ một loại vật liệu nào như thế trong tự nhiên. Vấn đề cũng chìm vào quên lãng suốt 30. Vào những năm cuối cùng của thế kỹ 20, một nhà vật lý lý thuyết khác hiện đang giảng dạy tại Imperial College London, GS. John Pendry, đã làm cho vấn đề trở nên nóng bỏng và thu hút sự quan tâm của cộng đồng khoa học cũng như thúc đẩy quá trình nghiên cứu và chế tạo loại vật liệu này; khi ông chỉ ra khả năng phục hồi phần thông tin bị mất của nguồn, do tính chất của trường evanescent, của siêu thấu kính làm từ loại vật liệu này [2]. Hiện nay người ta đã chế tạo thành công loại vật liệu này trong phòng thí nghiệm. Mặc dù mới chỉ có thể chế tạo thành công ở những vùng sóng riêng lẻ, vùng vi sóng [3], vùng ánh sáng khả kiến [4]. Tuy nhiên, hiện nay cộng động khoa học vẫn không ngừng cố gắng để mở rộng cho những vùng tần số khác. Chính những tính chất bị đảo nghịch của loại vật liệu này hứa hẹn những lợi thế ứng dụng trong công nghệ dân dụng cũng như quân sự.
Trong hơn 20 năm qua, cơ quan DARPA (Defence Advanced Research Projects Agency) của chính phủ Hoa Kỳ đã rất hào phóng trước những dự án liên quan đến lý thuyết và thực nghiệm chế tạo cũng như thúc đẩy quá trình ứng dụng loại vật liệu này trong quá trình hoàn thiện áo choàng tàng hình. Quá trình nghiên cứu và hợp tác đang diễn ra giữa các nhà khoa học, kỹ sư và các chuyên gia vật liệu trên toàn cầu. Một ngày không xa, chúng ta sẽ được thấy những chiếc áo choàng tàng hình như trong truyện Harry Potter.
[1] Veselago V. G., Usp. Fiz. Nayk 92, pp.517-523, (1964); [Sov. Phys. Usp, 10, 509 (1968)].
[2] Pendry J. B., Phys. Rev. Lett., 85, 3966 (2000).
[3] R. A. Shelby, D. R. Smith, S. Schultz, Science, 292, pp.77-80, (2001).
[4] H. J. Lezec, J. A. Dionne, and H. A. Atwater, Science, 316, pp.430-433, (2007).
GIỚI THIỆU TỔNG QUAN VỀ CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT BỒI ĐẮP
Trương Đình Hải Dương (DHCT15A), Não Đồng Nhi (DHCT15B), Bùi Hoàng Anh (DHCT15A),
Nguyễn Danh Tùng (DHCK13B), Huỳnh Công Linh (DHCT15B)
Sản xuất bồi đắp (Additive Manufacturing, AM) là một phương thức chế tạo sản phẩm bằng cách “đắp” từng lớp vật liệu lên nhau, mô phỏng theo thiết kế đã được vẽ sẵn trên phần mềm CAD. Nói một cách đơn giản, sản xuất bồi đắp là quá trình chế tạo sản phẩm dựa trên một bản thiết kế kỹ thuật số ba chiều. Sản xuất bồi đắp được xem là một trong những trụ cột của Cách mạng công nghiệp 4.0. Bài trình bày này mô tả một cách ngắn gọn tổng quan và phân loại của sản xuất bồi đắp.
Từ khóa: Sản xuất bồi đắp (Additive Manufacturing, AM), 3 chiều (3D), công nghiệp 4.0.